TRAN XUAN AN - TIEU SU BN. PCDT. NGUYEN VAN TUONG [ 2 ]

Cuốn sách này, tác giả biên soạn để làm sách dẫn, phục vụ việc nghiên cứu "Đại Nam thực lục chính biên" (IV, V, VI); đồng thời, đây cũng chính là đề cương chi tiết của bộ truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử của tác giả: "Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886)" (Nxb. Văn Nghệ TP. HCM., 2004). Trần Xuân An.

16.2.06

TIỂU SỬ BIÊN NIÊN KÌ VĨ PCĐT. NGUYỄN VĂN TƯỜNG (tệp 8)


TRẦN XUÂN AN
(biên soạn)

TIỂU SỬ BIÊN NIÊN
KÌ VĨ PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN
NGUYỄN VĂN TƯỜNG
(1824 – 1886)
“kẻ thù lớn nhất
của chủ nghĩa thực dân Pháp”

(tiếp theo)
(Tệp 8)
(chương tám / phần 1 / còn tiếp)


H. CHƯƠNG TÁM (phần 1)

XIX. THỜI LÀM ĐẠI THẦN PHỤ CHÍNH, ĐẠI THẦN VIỆN CƠ MẬT – THƯƠNG BẠC, THƯỢNG THƯ BỘ HỘ, ĐẠI THẦN KIÊM QUẢN KHÂM THIÊN GIÁM, TỔNG TÀI QUỐC SỬ QUÁN (THÁI TỬ THÁI PHÓ, THỰ VĂN MINH ĐIỆN ĐẠI HỌC SĨ, KÌ VĨ HẦU TƯỚC)


++ Ưng Đăng (húy là Hạo, tự là Hỗ), sinh ngày mùng 2 tháng giêng âl., Kỉ tị (1870), con của Kiên Thái vương Hồng Hợi và phủ thiếp Bùi Thị Thanh (người Đồng Dương, Hải Lăng, Quảng Trị). Năm 1871, Ưng Đăng được đưa vào cung, do Học phi Nguyễn thị (họ Nguyễn [tên Hương]) nuôi dưỡng. Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết khi lập Ưng Đăng lên làm vua, đã tâu: “Đó là ý của tiên đế, nay là mệnh trời. Xin nghĩ lấy tôn miếu, xã tắc làm trọng” . Tôn nhân, đình thần đã xin ý chỉ Từ Dũ; và Từ Dũ đã chấp thuận. Đây là sự nối ngôi chính thống vì Ưng Đăng đã là hoàng tử chính thức thứ ba của Tự Đức (*).
(ĐNTL.CB., tập 36 [**], sđd., tr. 18 – 20).
---- (*) Triều Kiến Phúc (Ưng Đăng) được Quốc sử quán xếp vào một kỉ riêng – đệ ngũ kỉ –, xem như ngang hàng với Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức về mặt chính thống. Dục Đức (hoàng trưởng tử, vi phạm luật pháp, bị truất), Hiệp Hòa (vi phạm luật pháp; không phải hoàng tử của Tự Đức) và cả Hàm Nghi (nhà vua yêu nước, nhưng không phải hoàng tử) chỉ thuộc về “phụ chép”
[**] ĐNTL.CB. đệ ngũ kỉ chỉ gồm một tập duy nhất (bản Nxb. KHXH.). ----

+++ Tháng mười một âl..
++ Ngày mùng một âl., niên hiệu Tự Đức thứ 36 (Quý mùi [1883]), Ưng Đăng (áo mũ hoàng đế chưa kịp may, mặc áo thêu con mãng) nhận tỉ ngọc ấn truyền quốc, vì “tiên đế đã định lòng kén chọn” (nguyên văn).
(sđd., tr. 20).
++ Ngày mùng 3 âl., Ưng Đăng lên ngôi hoàng đế ở điện Thái Hòa; nhà vua ban ân chiếu.
(sđd., tr. 22 – 28).
++ Gia Hưng quận vương Hồng Hưu: phụ chính thân đại thần (*). Tờ tâu của các nha thuộc 6 bộ, ở Các (Nội các…) phải được Hồng Hưu duyệt, xong rồi mới chuyển giao đến Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết duyệt lại để tâu lên vua.
(sđd., tr. 28 – 29) (**).
---- (*) Xin lưu ý: Phụ chính thân đại thần (người thuộc hoàng tộc đảm nhiệm) khác với phụ chính đại thần (các vị quan thuộc bách tính, có uy tín, tài năng).
(**) Từ đây, người biên soạn khảo sát Nguyễn Văn Tường trong tất cả các lĩnh vực của triều chính. ----

++ Nguyễn Văn Tường: kiêm quảm Khâm thiên giám, Quốc sử quán tổng tài.
(sđd., tr. 29).
++ Phụ chính đại thần tâu chuẩn (thay vua): Hết tang mới ra chính điện nghe chính sự; nay nhà vua chỉ ngự ở điện Văn Minh.
(sđd., tr. 31).
++ Bộ phận Thương bạc trong Cơ mật viện viết thư báo cho Tham Bô (De Champeaux) về lễ đăng quang, để y chuyển vào Súy phủ Pháp tại Gia Định và chuyển về quốc trưởng Pháp tại Ba Lê (Paris).
(sđd., tr. 32).
++ Giặc Pháp bấy giờ đòi đỗ thường xuyên 2, 3 chiếc tàu binh ở cửa biển Thuận An (Huế) với 3.400 tên lính, nhằm phong tỏa cửa biển ấy. Pháp tịch thu khí giới của thuyền đồng nước ta (đỗ tại Đà Nẵng, Quảng Nam). Do đó, các quan Thương bạc của Cơ mật viện đi thương thuyết để tàu thuyền ta được vào cửa Thuận An (Huế)!
(sđd., tr. 32 – 33).
++ Quan phụ chính tâu xin cách chức một số thị vệ.
(sđd., tr. 33).
++ Gia ơn khoan giảm có thứ bậc cho các quan bị nghị xử do để thất thủ thành Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, đồn lũy Thuận An (1882, 1883); vì cớ lúc đó đường lối chiến hay hòa chưa xác định, tình hình diễn biến quá bất ngờ, việc phòng thủ có khó khăn, nên ra đặc ân giảm tội đến mức thấp nhất” (nguyên văn). Cho chép ngay tên tuổi tổng đốc Hà Nội là Hoàng Diệu vào sổ để thờ ở đền Trung Nghĩa.
(sđd., tr. 33 – 35).
++ Thăng thưởng cho các quan và binh lính có công lao nghênh lập, làm việc mẫn cán, theo đề nghị của Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường: Ông Ích Khiêm, Chu Đình Kế, Tôn Thất Phan, Nguyễn [Thượng] Phiên, Tôn Thất Triệt, Tôn Thất Lương Thành, Tôn Thất Thế, Trương Văn Đễ, Hồ Văn Hiển, Trần Xuân Soạn, Tôn Thất Trang…
(sđd., tr. 35 – 37).

XX. THỜI TÂU XIN TƯỚC BỎ HÀM TƯỚC MỚI ĐƯỢC HIỆP HÒA GIA PHONG (THỰ VĂN MINH ĐIỆN ĐẠI HỌC SĨ, KÌ VĨ HẦU TƯỚC)

++ Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết xin truất tước hàm do Hiệp Hòa phong cho hai vị.
(sđd., tr. 38).
++ Tôn Thất Triệt: lãnh tuần phủ Trị – Bình.
(sđd., tr. 38).
++ Vua Kiến Phúc tâu lên và được ý chỉ của thái hoàng thái hậu Từ Dũ chuẩn y, nên tấn tôn Khiêm hoàng hậu làm hoàng thái hậu, Học phi làm hoàng thái phi (như đã tấn tôn mẹ ruột Hiệp Hòa trước đây).
(sđd., tr. 38 – 39).
++ Dụ triệt thoái binh tướng tại Bắc Kỳ về kinh đô (Hoàng Tá Viêm, Trương Quang Đản, Ngô Tất Ninh, Nguyễn Thiện Thuật…): Các doanh đoàn nước Thanh (Trung Hoa) nói rằng làm thanh viện cho lực lượng quân ta ở Bắc Kỳ, kì thực là chỉ để bảo vệ vững phên giậu của họ. Cơ mật viện cho rằng, nước ta đứng giữa hai nước lớn Hoa – Pháp, do đó, chi bằng cứ giữ trung lập, để hai nước lớn ấy hành động. Dụ của Kiến Phúc xuất phát từ tình thế: Hà A Mang (Harmand, toàn quyền Bắc Kỳ) tuyên bố sẽ đánh nước Thanh (Trung Hoa), đề nghị quân Đại Nam không được thông đồng với quân Thanh. Hà A Mang (Harmand) còn đòi cách chức các quan ta ở Bắc Kỳ. Nguyễn Trọng Hợp nói thêm: “Chấp nhận tai họa nên chọn cái nào nhẹ” và cũng xin cho rút quân ta về, vì Nguyễn Trọng Hợp thấy rằng, như thế, có thể đỡ sinh sự ra! Cơ mật viện lại tâu xin cứ giữ lí của mình mà bác bỏ đòi hỏi “phi lí trái tình” (nguyên văn) của giặc Pháp (cách chức quan nước ta), nhưng vẫn triệt thoái quân binh để quan tỉnh ở lại làm việc, chỉ rút các quan quân thứ về.
Sau đó các quan tỉnh vẫn làm bạn trú (đồng minh cùng trú quân) với quân Thanh, như Tạ Hiện, Phạm Vụ Mẫn, Hoàng Văn Hòe…
(sđd., tr. 39 – 42).
++ Tháng 9 âl., Quý mùi (1883), trước đây, Hà A Mang (Harmand) đã đặt chức công sứ lưu trú; thuốc súng, tiền thóc, sổ sách, chúng đều tịch thu; chúng lại đánh tri phủ, đòi thu thuế của dân. Giặc Pháp ngày càng ngang ngược. Ở xã Phát Diệm, linh mục Trần Lục thông mưu với sứ Pháp. Y chiêu mộ giáo dân Thiên Chúa giáo và hàng nghìn tên vô lại. Y cho người chặn đường trạm, cướp công văn. Đường trạm phải tạm đặt ở nẻo khác. Cơ mật viện: Chuẩn cho quan tỉnh Ninh Bình phối hợp với Nha Sơn phòng, không được hành động vô nguyên tắc. Nhưng công văn chưa đến, ngày 11-9 âl., Quý mùi (1883) các quan tỉnh đã bỏ đi theo quân Thanh.
(sđd., tr. 43 – 44).
++ Lập sứ bộ mang tờ biểu sang nước Thanh (Trung Hoa) và đề nghị tiếp tục sai cống sứ sang. Nhưng Pháp đòi ta phải tuyệt giao với nước Thanh nên sứ bộ dừng lại.
(sđd., tr. 45).
++ Nguyễn Văn Tường lưu lại kinh đô để gìn giữ, Tôn Thất Thuyết lên Khiêm lăng, trong dịp đại lễ ở Đinh lăng.
(sđd., tr. 47 – 48).
++ Giặc Pháp đánh thành tỉnh Sơn Tây. Trước đây, Pháp tiến đánh, đều bị đẩy lùi. Lần này, Pháp tăng cường đến 7.000 lính (có cả lính Ả Rập ở châu Phi, lính Nam Kỳ, lính ma tà Thiên Chúa giáo, giáo dân vô lại), chở phu ở thuyền buôn trưng dụng rất đông, 15 tàu thuyền, vài trăm chiếc chiến xa có đại bác. Tất cả lính của giặc Pháp đều cầm súng, không cầm cờ và dáo nhọn. Ngày 15 âl., Pháp tấn công. Hai bên giao chiến từ giờ mão (5 – 7 giờ sáng) đến giờ dậu (17 – 19 giờ chiều tối). Quân Lưu Vĩnh Phúc, Đoàn dũng (*), và quân Đường Cảnh Tùng (nước Thanh)… đánh thắng nhiều lần (300 lính Pháp chết). Tối, liên quân bên ta rút vào thành. Pháp vẫn tấn công suốt đêm đến sáng. Giặc Pháp và ngụy các loại chết khá nhiều. Ngày 16, vẫn giằng co. Ngày 17, Pháp tập trung đánh cửa bắc của thành Sơn Tây. Lưu Vĩnh Phúc vượt thành tiếp chiến; Pháp lùi. Chiều tối (giờ dậu), cửa bắc bị quân trong thành sợ hãi mà phá vỡ. Sớm ngày 18 âl., Pháp chiếm thành Sơn Tây.
Quân Thanh, quân ta chia ra đóng ở các nơi.
Cơ mật viện tâu bàn: Nghiêm khắc khiển trách và xin ra lệnh dụ, các quan quân thứ, quan tỉnh phải đến sát hạt Sơn Tây, tụ tập lại binh dân của tỉnh (**).
(sđd., tr. 48 – 50).
---- (*) Đoàn dũng, Đoàn luyện chỉ là tên của các đoàn quân thuộc quyền Lưu Vĩnh Phúc, chứ không phải tên một người chỉ huy.
(**) Dụ triệt thoái trước chi là để đối phó với Pháp. Dụ này lại tập hợp quân thứ để chiến đấu, sau khi sự cố phế lập ở triều đình đã ổn. ----

++ Nghị xử và kết án các hoàng thân, công tôn, tùy theo mức phạm pháp. Miên Trinh, Miên Tằng, Miên Triệu tự nhận là nghe nhầm Hồng Tham (Sâm), Hồng Tu… “dẫn đến cuồng vọng” (nguyên văn). Sau khi bị giáng chức tước, ba công, hầu hoàng tộc này được đưa đi an trí ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
(sđd., tr. 54 – 55).
+++ Tháng mười hai âl..
++ Lệnh dụ cho đặt lại hương binh ở phía bắc và phía nam kinh đô.
(sđd., tr. 57).
++ Tri huyện Dương Hữu Quang (người Hà Nội) lập “Tín Nghĩa hội” ở Ứng Hòa, Thanh Oai. Bọn phỉ do tên So cầm đầu đã đi theo hội này. Hoàng Tá Viêm xét rõ, tâu vào triều. Bèn có lệnh dụ thu nhận vào cơ số quân ta.
(sđd., tr. 57).
++ Lệnh dụ cho quân địa phương đi lên các nha sơn phòng để canh giữ, đồn trú; cho các tù phạm đã phân loại đến khai khẩn ở Sơn phòng Quảng Trị.
(sđd., tr. 57).
++ Xây dựng đê công Đặng Xá, Xuân Bình ở tỉnh Hưng Yên.
(sđd., tr. 57).
++ Đạo Bình (tức là đạo Tôn vương, Tả, Gia Tô, các tên khác nhau của Thiên Chúa giáo [*]) ở Thừa Thiên chưa ổn định, trong những ngày đầu Kiến Phúc lên ngôi. Vua đã ra dụ trấn an. Một thời gian sau, Tham Bô (De Champeaux) gửi văn thư, xin đem lính phủ bảo vệ giáo dân ở hai xã Thanh Tân, Sơn Quả. Triều đình chuẩn y. Công tử Hồng Thành vẫn chiêu tập đảng “sát tả” , tấn công Dương Hòa thuộc huyện Hương Trà. Đành phải bắt giam, nghị án. Triều đình lại thông báo cho sĩ dân Quảng Trị và các hạt từ Nam chí Bắc rõ. Nội dung: Chiến hay hòa là do triều đình quyết định; đạo Bình vẫn là dân nước Đại Nam; không nên chia rẽ lương, giáo.
(sđd., tr. 58 – 59) (**).
---- (*) Chú thích trên có lẽ nhầm. Đạo và Bình: giáo dân và bình dân? Xin xem ĐNTL.CB., tập 33, sđd., tr. 122 – 123. Hai từ này đối nhau: dân có giáo hóa (giáo dân) và dân có lòng hòa hảo (bình dân). Có lẽ “Dụ đạo Bình” phải hiểu là “Dụ Đạo [và] Bình”, “Dụ Đạo – Bình”, tức là dụ cho giáo dân và bình dân (dân lương từ 1874 đã được gọi là bình dân với nghĩa trên). ----
++ Tháng trước (tức tháng 11 âl., Quý mùi [1883]), Hà A Mang (Harmand) cùng Nguyễn Trọng Hợp từ Bắc về Đà Nẵng. Đức Lí Cố (Lý Cố, Tricou) đến thay Hà A Mang (Hà Truất Mang, Harmand). Trần Doãn Khánh (biện lí), Đinh Việt Tân (phủ thừa), Nguyễn Hữu Cư (tham biện) đến cửa Thuận An đón tiếp. Trước đây, vua Hiệp Hòa chuẩn cho quan Thương bạc của Cơ mật viện (Nguyễn Trọng Hợp) hội bàn với Hà A Mang (Harmand) “hòa” ước 27 khoản (Quý mùi [1883]). “Hòa” ước này có nhiều khoản không thể chịu được. Hà A Mang (Harmand) sau đó ra Bắc Kỳ cùng với các công sứ Pháp, hoành hành ngang ngược. Sĩ dân nước ta không thể yên lòng. Tội ác của Hà A Mang (Harmand) và bọn thực dân Pháp: không trả thành Hà Nội hẳn; đánh chiếm Ninh Bình, Quảng Yên, Hưng Yên (tuần phủ bị bắt, bị đánh; đề đốc bị truy nã; phủ huyện bị buộc phải yên lặng đợi chiếu chỉ của Hiệp Hòa; kho súng đạn bị phá, kho bạc bị cướp, sổ sách đinh điền bị xé bỏ…), khiến sĩ dân, quan chức phẫn nộ, có người tự vẫn, có người nạp ấn, bỏ quan, truyền hịch khởi binh, có chỗ đánh Pháp, giết phái đoàn Pháp… Tất cả do toàn quyền Hà A Mang (Harmand) gây ra. Nay Lý Cố (Tricou) đến thay Hà A Mang (Harmand). Y đến trú tại Sứ quán Huế. Triều đình gửi văn thư, yêu cầu mọi điều phải hợp công pháp. Lý Cố (Tricou) được vào triều yết vua, trao đổi thư giao ước. Y sẽ mang thư về Ba Lê (Paris) để quốc trưởng Pháp xét nghĩ.
Sau đó y ra Bắc Kỳ rồi về Pháp.
(sđd., tr. 62 – 63).
++ Vào thời điểm kí kết “hòa” ước Hà A Mang (harmand) – Trần Đình Túc (và Nguyễn Trọng Hợp), tháng 7 âl., Quý mùi (1883), Tôn Thất Thuyết lập Phấn Nghĩa quân. Nguyễn Văn Tường đồng ý và cho phép. Tôn Thất Thuyết còn thương lượng với Nguyễn Văn Tường trong thời điểm trước sự biến đêm 29-10 âl. và ngày 30-10 al., Quý mùi (1883): phế Hiệp Hòa, lập Kiến Phúc. Triều thần dự doán, biết trước sự biến và hưởng ứng, giao cho con em đi vận động sĩ dân gia nhập Phấn Nghĩa quân. Đến nay, đội quân Phấn Nghĩa càng được tăng cường, chấn chỉnh, do Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết ủy nhiệm cho những vị quan mà hai phụ chính chọn lựa. Tôn Thất Thuyết giao cho Trần Xuân Soạn thống lĩnh.
(sđd., tr. 63 – 64).
++ Tổng đốc Bắc Ninh Trương Quang Đản báo cáo thuyền tàu Pháp quấy nhiễu, bọn Hán gian tụ tập, hò hét; do đó, xin chi viện quân, bổ sung quan võ. Tôn Thất Thuyết hứa cho, và vẫn ra lệnh ai nấy đều tự ra sức đánh giặc để tránh khó khăn sau này.
(sđd., tr. 64).
++ Giải chức, chờ lệnh: Nguyễn Trọng Hợp, Trần Văn Chuẩn (về kinh đô nhận tội vì thương thuyết không được gì).
(sđd., tr. 64).
++ 69 xã thôn điêu tàn ở Bình Định được hoãn việc tuyển lính.
(sđd., tr. 64).
++ Tôn Thất Thuyết: thượng thư Bộ Lại kiêm quản lí Binh bộ sự vụ, Văn ban phò mã.
(sđd., tr. 64).
Lúc này, chính Nguyễn Văn Tường đã đích thân ra Cam Lộ để trực tiếp thiết kế, đốc công xây dựng căn cứ địa Tân Sở. Do đó, hầu như việc triều chính, ông đã giao hết cho Tôn Thất Thuyết. Tuy nhiên, Tân Sở (Quảng Trị) và kinh đô Huế (Thừa Thiên) chỉ cách nhau một ngày đường (70 – 90 km), nên Nguyễn Văn Tường vẫn có thể vào ra.
++ Nha Sơn phòng và phủ Cam Lộ (Quảng Trị) di chuyển từ xứ Động Ngang (huyện Thành Hóa đến xã Bảng Sơn (cũng thuộc huyện này). Cơ mật viện: “Sơn phòng Quảng Trị có thể làm hậu lộ cho kinh đô” (nguyên văn). Tân Sở được ráo riết xây dựng: Đắp thành, đào hào, xây kho súng, dựng nhà ở và nhà làm việc cho quan văn võ…; đặt ra kì hạn mua muối để nhận diện kẻ lạ mặt; đặt cơ Can Thiện để cai quản chặt chẽ tù phạm khẩn hoang ở nơi này, kể cả việc phòng tránh nạn hổ (cọp); lập đồn Động Chu; khai quặng sắt để tiện việc đúc, rèn; mở hai thượng lộ, nam thông kinh phủ (Huế), bắc thông Quảng Trị (Sơn phòng Quảng Bình?); đem vàng, bạc, thuốc súng ra trữ ở đó.
Việc kinh lí, do tỉnh thần kiêm quản.
Khâm sứ Pháp cho người đến do thám, bảo để vẽ bản đồ!
(Tất nhiên, triều đình có cách đối phó với giặc Pháp!) .
(sđd., tr. 64 – 66).
++ Cấp tiền gạo cho vợ con Lưu Vĩnh Phúc, quân Đoàn dũng và viên tử trận Dương Trước (Trứ) Ân.
(sđd., tr. 66).
++ Lệnh dụ kiểm tra lại các doanh vệ biền binh kinh đô, chấn chỉnh để tăng cường lực lượng.
(sđd., tr. 66 – 67).
++ Phủ Ứng Hòa (Hà Nội) gần đây nổi lên bọn phỉ. Cao Xuân Dục đánh dẹp, được thăng tri phủ.
(sđd., tr. 68).
++ Trần Tiễn Thành được khẳng định là do “cướp” giết chết. Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết xin giáng Trần Tiễn Thành xuống hàm thượng thư Bộ Binh, và vẫn được cấp tuất.
(sđd., tr. 68).
++ Tham Bô (De Champeaux) viết thư: Xin cấm dân cười giễu lính Pháp và đừng chăn trâu bò quanh khu vực Sứ quán.
(sđd., tr. 69).
++ Lập lộ giới ngăn Khiêm cung.
(sđd., tr. 69).
(xem lại: tập 35, sđd., tr. 243).
++ Ban tế trong tang sự phế đế Hiệp Hòa.
(sđd., tr. 69).
++ Miễn, khoan giảm thuế cho Thanh Hóa và vài tỉnh Bắc Kỳ.
(sđd., tr. 69).
++ Nguyễn Xuân Phiếu và lính thợ thử chế súng Hoa Kỳ và vải thô Tây; được thưởng vì thành công.
(sđd., tr. 69).
++ Tuần phủ Hà Tĩnh – Nghệ An: Trần Lưu Huệ. Hộ đốc Trần Nhượng bị Bộ Lại (Tôn Thất Thuyết) chê trách là nịnh hót Nguyễn Chính…, nên bị giáng, điều chuyển về kinh đô…
(sđd., tr. 70).
++ Biện lí Bộ Binh Trương Văn Đễ sung làm khâm phái ra Bình, Tĩnh, An, Thanh trấn áp mầm mống rối loạn; lưu lại Thanh Hóa điều đình với đạo Bình (Thiên Chúa giáo) (*). Các tỉnh ấy hiện có tàu Pháp đỗ; giáo sĩ và giáo dân Thiên Chúa giáo ngầm xin Pháp viện trợ! Sợ rằng sẽ xảy ra vụ biến như ở Ninh Bình, các quan tỉnh di chuyển kho tàng, hiểu bảo giáo dân.
(sđd., tr. 71).
---- (*) Có lẽ là Đạo – Bình (giáo – lương). Xem lại chú thích về “Dụ Đạo – Bình” (sđd., tr. 58 – 59), cũng thuộc mục tháng 12 âl., Quý mùi (1883) này. ----
++ Đoàn Văn Hội, Hoàng Hữu Thường, Lê Cơ sung làm khâm sai ra Bắc khu xử, động viên nghĩa quân. Lúc ấy, Tham Bô (De Champeaux) viết thư: Đờ Li Cô (Đức Lí Cố ? Tricou ? hay Bichot ?) đến Bắc Kỳ bàn với Cô Phi Nghiệp (Courbet ?) để ra lệnh cho các công sứ Pháp đều không được động tĩnh. Tuy vậy, các quan tỉnh vẫn không muốn làm việc, nên trộm cướp nổi lên. Do đó, đoàn khâm sai ra Bắc.
(sđd., tr. 71).
++ Tháng trước (11 âl., Quý mùi [1883]), công sứ Pháp ở Ninh Bình ngang ngược, tàn ác; hộ phủ Tôn Thất Úy phải đến ở tại Sơn phòng. Nguyễn Trọng Hợp và Nguyễn Hữu Độ (tổng đốc Hà – Ninh) tùy tiện đặt quan chức. Nguyễn Hữu Độ còn bảo: Chờ công sứ Pháp cấp ấn cho! (*) Cơ mật viện khiển trách: Nói như thế thật khó nghe. Tham Bô (De Champeaux) đành phải viết thư khẳng định công sứ các tỉnh không dự vào việc bổ nhiệm quan chức tỉnh. Nhưng rốt cục, do Pháp vẫn cố tình gây trở ngại, Tôn Thất Úy cũng không về tỉnh lị.
(sđd., tr. 72 – 73).
---- (*) Bản chất tay sai của Nguyễn Hữu Độ đã lộ rõ. ----
++ Từ lúc Sơn Tây có sự biến, trộm cướp nổi lên như ong. Hoàng Tá Viêm lập tức được lệnh dụ do Cơ mật viện tấu chuẩn: Phải về đóng ở đó, giữ yên địa hạt.
(sđd., tr. 73).
++ Từ lúc Sơn Tây thất thủ, các quan tỉnh không về lị sở. Tướng Pháp Cô Bi (Courbet) thúc giục Nguyễn Hữu Độ đặt quan chức. Nguyễn Hữu Độ chọn Nguyễn Khuyến (nhà thơ, tam nguyên), Thành Ngọc Uẩn. Hai ông không nhận chức. Nguyễn Hữu Độ lại đặt tú tài theo Thiên Chúa giáo là Nguyễn Trần Cáp và lại điển xuất thân không có chữ nghĩa Nguyễn Hậu (do Pháp cử) làm quan chức. Cơ mật viện không phê chuẩn, thương lượng với Tham Bô (De Champeaux) để y viết thư cho Cô Bi (Courbet), ngưng việc bổ nhiệm ấy. Đoàn Văn Hội cử Nguyễn Trọng Hợp.
(sđd., tr. 74 – 75).
++ Từ Diên Húc (quan chức Trung Hoa) sang Lạng Sơn.
(sđd., tr. 75).

41) Kiến Phúc năm thứ 1, Giáp thân (1884): 61 tuổi.
+++ Tháng giêng âl..
++ Sứ bộ Phạm Thận Duật, Nguyễn Thuật từ Thiên Tân (Trung Hoa) về nước (đi từ tháng 12 âl., Nhâm ngọ [1882]). Phạm Thận Duật: vẫn thượng thư Bộ Hình; Nguyễn Thuật: thăng thự Binh bộ hữu tham tri.
(ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 76 – 77).
++ Răn trị bọn lại mọt ở Thừa Thiên (Bộ Hộ, Bộ Hình điều tra, xét án).
(sđd., tr. 77).
++ Tháng 7 âl., tháng 11 âl., Quý mùi (1883) trước đây, triều đình đã điều động võ sinh, võ cử các tỉnh tả hữu trực kì, Hà Tĩnh, Bình Định, Quảng Ngãi về kinh. Nay cho về quê.
(sđd., tr. 78).
++ Ba Rô (Pha Rô, Parreau) sang thay Tham Bô (De Champeaux) làm khâm sứ ở kinh đô Huế.
(sđd., tr. 78).
++ Sửa sang bốn mặt kinh thành và đài Trấn bình (Mang Cá).
(sđd., tr. 80).

XXI. THỜI LÀM ĐẠI THẦN PHỤ CHÍNH, THƯỢNG THƯ BỘ LẠI, ĐẠI THẦN VIỆN CƠ MẬT – THƯƠNG BẠC (HÀM HIỆP BIỆN ĐẠI HỌC SĨ, TƯỚC HIỆU KÌ VĨ BÁ)

++ Tôn Thất Thuyết: lãnh thượng thư Bộ Binh; Nguyễn Văn Tường: lãnh thượng thư Bộ Lại; Phạm Thật Duật: thượng thư Bộ Hộ.
(sđd., tr. 80).
++ Vũ Trọng Bình: thương biện tỉnh vụ Nghệ An; Nguyễn Chính: Sơn phòng sứ Hà Tĩnh; Nguyễn Trọng Hợp: phó Sơn phòng Thanh Hóa; Trần Văn Chuẩn: dinh điền sứ Quảng Bình; Bùi Ân Niên: tả tham tri Bộ Lại.
(sđd., tr. 80 – 81).
++ Phạm Thận Duật: kiêm sung Quốc sử quán phó tổng tài, đại thần kiêm quản Quốc tử giám.
(sđd., tr. 81).
++ Cô Bi (Courbet) về nước (*), Mi Lô (Millot) sang thay (**).
(sđd., tr. 81).
---- (*) Chính xác hơn, Cô Bi (Courbet) rời khỏi Bắc Kỳ, để sang đánh Phúc Châu, Đài Loan (Trung Hoa), nhằm làm sức ép với nhà Thanh, tiến đến kí kết điều ước Hoa – Pháp 1884, 1885. Xin xem thêm phần sau.
(**) Courbet là tướng chỉ huy lực lượng thủy quân Pháp. Millot Tướng bộ binh Pháp. ----

++ Hiệu chỉnh ĐNTL.CB. đệ tứ kỉ (bản thảo chỉ mới lược chép theo thể thức sách Đông Hoa) (*).
(sđd., tr. 81).
---- (*) Triều Đồng Khánh (1886 – 1888), bỏ hết, làm lại bản thảo này. Triều Thành Thái (1889 – 1907), lại biên soạn thêm một lần nữa. ----
++ Dụ: Triệu dùng tiến sĩ, phó bảng và ấn quan còn tại quán (ở quê).
(sđd., tr. 81 – 82).
++ Dụ: Khuyên các quan khắp nước; nhân đó, kể tên một số quan lại lạm quyền, tự tiện bổ nhiệm quan chức, muốn khắc ấn để tự làm việc (Nguyễn Hữu Độ, Trần Nhượng, Cao Hữu Sung, Nguyễn Khắc Vỹ).
(sđd., tr. 83 – 84).
+++ Tháng hai âl..
++ Định lệ chọn người làm phó quản đốc tàu thủy: Từ nay, phải dùng người có học vị từ cử nhân đến tiến sĩ để ra nước ngoài, vì những người đó mới có đủ trình độ nhận xét, thu thập.
(sđd., tr. 85).

XXII. THỜI LÀM ĐẠI THẦN PHỤ CHÍNH, ĐẠI THẦN VIỆN CƠ MẬT – THƯƠNG BẠC, THƯỢNG THƯ BỘ LẠI, KINH DIÊN GIẢNG QUAN (THÁI PHÓ, CẦN CHÁNH ĐIỆN ĐẠI HỌC SĨ, VĨ QUỐC HUÂN THẦN, KÌ VĨ QUẬN CÔNG)

++ Nguyễn Văn Tường: thái phó, Cần Chánh điện đại học sĩ, Vĩ Quốc huân thần, Kì Vĩ quận công; Tôn Thất Thuyết: hiệp biện đại học sĩ, Vệ Quốc thượng tướng quân, Vệ Chính hầu; Hồng Hưu: Gia Hưng vương (*).
(sđd., tr. 88 – 89).
---- (*) Nhất tự vương: tước chỉ một chữ “vương” là bậc tước cao nhất và chỉ dành cho hoàng thân. ----
++ Nghị xử vụ sát tả (giết giáo dân Thiên Chúa giáo) ở Thanh Hóa (do Tôn Thất Trường, Hồ Tư Cung, Đỗ Huy Toản, Hà Văn Mao… tiến hành) vì linh mục Trần Lục đến dinh sứ Pháp kêu xin tư xét. Dụ chẩn cấp người bị hại.
(sđd., tr. 89 – 90) (*).
---- (*) Theo Aldophe Delvaux (linh mục Pháp), trong “Những người bạn cố đô Huế” (Bulletin des amis du vieux Hué), 1916, tập 3, sđd., tr. 57 – 58, 64, vụ án này được nghị xử qua loa rồi cho ỉm đi; thậm chí Delvaux còn cho rằng Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết chỉ đạo ngầm vụ sát tả này. Nếu quả như vậy, thì đó là bọn tội phạm đội lốt Thiên Chúa giáo để cướp nước (Tây) và bán nước (ta). Xin xem mục tháng 9 âl., Giáp thân (1884), những dòng chữ chú giải cho thỏa ước Yên Kinh giữa Pháp và Hoa (sđd., tr. 174); mục tháng 5 âl., Ất dậu (1885), chú thích từ “giáo dân”. ----
++ Quyền tuần phủ Ninh Bình Tôn Thất Úy bị công sứ Pháp bắt. Chuẩn cho về kinh.
(sđd., tr. 90).
++ Công sứ Pháp giữ Phạm Hy Lượng làm tuần phủ, không cho Nguyễn Văn Thi nhận chức. Triều đình bèn không đặt chức tuần phủ ở tỉnh ấy nữa (vô hiệu hóa Phạm Hy Lượng).
(sđd., tr. 90).
++ Tướng Pháp Mi Lô (Millot) tiến đánh quân Thanh ở tỉnh Bắc Ninh, rồi tiến chiếm Thái Nguyên. Tàu thuyền giặc Pháp, gồm cả lớn, nhỏ, hơn 40 chiếc, 200 con ngựa, sáu đến bảy nghìn (6.000 – 7.000) quân; ngoài ra, có nhiều thuyền buôn trưng dụng chở thuốc đạn, lính mộ. Pháp tập họp thuyền binh ở Bắc Ninh.
Thành lũy treo cờ Đại Thanh (Trung Hoa). Triệu Ốc ở ngoài thành. Hoàng Quế Lan ở phía trong. Tổng đốc Trương Quang Đản (nước ta) theo lệnh triều đình Đại Nam: trung lập; hiện đem quân tình nguyện đi theo quân thứ cũ, đóng ở Nghi Vệ, huyện Tiên Du.
Ngày 10 tháng 02 âl., Giáp thân (1884), Pháp tấn công, chiếm được 7 đồn. Ngày 13 kế tiếp, Lưu Vĩnh Phúc từ Hưng Hóa kéo quân về. Hai hôm sau, ngày 15, trận chiến vẫn giằng co. Pháp thả khí cầu làm tín hiệu lui quân vào ban trưa. Chiều, pháp lại tấn công. Quân Thanh vỡ, lui về Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hưng Hóa. Quân Lưu Vĩnh Phúc và quân Thanh lần này không chi viện cho nhau, do đó, quân Pháp sấn được vào thành.
Quân Trương Quang Đản từ Tiên Du trở về tỉnh thành. Quân Thanh cản lại. Trương Quang Đản, Đoàn Văn Hội, hai người ở hai nơi làm 2 tập tâu, đệ gửi về kinh đô Huế. Pháp cho Dương Danh Lập (*) làm tổng đốc. Triều đình Đại Nam bàn lấy Nguyễn Tu là quyền biện tổng đốc.
Trương Quang Đản và các quan quân thứ cũ được lệnh chuẩn cho về kinh.
Quân Pháp lại cho kị binh tiến lên Thái Nguyên, đánh với quân Thanh. Trong chốc lát, quân Thanh rút về Hưng Hóa. Nguyễn Quang Khoan (thủ úy) bị bắn.
Ngày 22 tháng 02 âl., Giáp thân (1884), quân Pháp vào thành Thái Nguyên vơ vét của cải, sổ sách, chở về Bắc Ninh. Pháp cử Dương Danh Lập (*) làm quyền tuần phủ. Với chức này, triều đình Đại Nam chuẩn y cho.
(sđd., tr. 90 – 93).
---- (*) Về Dương Danh Lập, một kẻ được giặc Pháp cất nhắc, xin xem thêm: sđd., tr. 169. ----
+++ Tháng ba âl..
++ Các châu ở Thành Hóa (Quảng Trị) kính đệ phẩm nghi.
(sđd., tr. 94 – 95).
++ Phạm Thận Duật kiêm sung sư bảo phủ Kiên Giang quận công (Ưng Kỹ).
(sđd., tr. 95).
++ Định lại lệ thi hương văn, thi hương võ, thi hội võ.
(sđd., tr. 95 – 98).
++ Đặt đồn ở núi Dũng Quyết, tỉnh Nghệ An.
(sđd., tr. 98).
++ Mở kinh diên (*) ở điện Vũ Hiển. Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật: kinh diên giảng quan; Bùi Ân Niên, Nguyễn Thuật, Nguyễn Thượng Phiên, Lê Duy Thụy: giảng quan hàng ngày.
(sđd., tr. 98 – 99).
---- (*) Kinh diên: Lớp học để bồi dưỡng kiến thức và năng lực trị vì, dành cho các vị vua còn nhỏ, còn trẻ tuổi như Kiến Phúc. ----
++ Bọn gian và phỉ Thanh thông đồng.
(sđd., tr. 99).
++ Dụ cho Nguyễn Hữu Độ phái người dẹp phỉ. Một viên quan không được cấp dưới tuân lệnh, bèn tự sát. Nguyễn Hữu Độ, Nguyễn Xuân Ruẩn xử án sai về vụ này, bị giáng, đổi.
(sđd., tr. 99 – 100).
++ Quân Lưu Vĩnh Phúc trước đây giở thói hung tàn với dân 3 xã ở Sơn Tây. Nay dụ cho Hoàng Tá Viêm: Bảo Lưu Vĩnh Phúc phải kiểm thúc quân lính. Đồng thời, dụ chẩn cứu dân bị hại.
(sđd., tr. 100).
++ Kỳ ngoại hầu Hồng Chuyên (anh Hồng Thành, con trai Trấn Định công Miên Niết [Miêu]) xui đồ đảng giả trang làm quan quân vào cướp nhà cố thượng thư Trần Tiễn Thành (*). Hoãn quyết, giam.
(sđd., tr. 101).
---- (*) Trần Tiễn Thành đã bị Hồng Hàn, Hồng Tế, Hồng Chức giết năm ngoái, nay nhà lại bị cướp! ----
++ Miễn thuế cho thuyền chở gạo đến các tỉnh trực kì.
(sđd., tr. 101).
++ Khắc in sách do sứ bộ (Nguyễn Thuật) mang về.
(sđd., tr. 101).
++ Định lệ thi hội, thi đình văn.
(sđd., tr. 101 – 103).
++ Pháp đánh chiếm Hưng Hóa. Quân Thanh và quân ta đều đã rút. Quân Lưu Vĩnh Phúc giao chiến với Pháp vào ngày 14 tháng 3 âl., Giáp thân (1884). Đến giờ ngọ (11 – 13 giờ trưa), súng lớn của Pháp nổ liên thanh. Lưu Vĩnh Phúc thua, dẫn quân rút. Ngày 17, giặc Pháp vào thành, phá hủy, vơ vét của cải.
Lệnh chuẩn cho Hoàng Tá Viêm, Lương Tư Thứ, Ngô Tất Ninh, Nguyễn Đình Nhuận ở quân thứ Sơn Tây và Nguyễn Quang Bích về kinh.
Nguyễn Quang Bích nộp ấn, lên rừng, rồi mất.
Hoàng Tá Viêm về Quảng Bình (chánh quán), gửi ấn, cờ tiết vào kinh.
Nguyễn Đình Nhuận sang Trung Hoa. Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Thiện Thuật cũng đều từ biệt, đi mất.
(sđd., tr. 103 – 105).
++ Định lệ cho người đánh Pháp, chết trận, được truy thăng chức, con cháu được nhiêu ấm.
(sđd., tr. 105 – 108).
+++ Tháng tư âl. (*).
---- (*) Trong tháng này, ngày 18 âl., Pháp và Trung Hoa kí tạm ước Fournier – Lý Hồng Chương. -----
++ Mở khoa thi hội văn học.
(sđd., tr. 108).
++ Vua Kiến Phúc se mình. Một tháng sau, vua lại khỏe.
(sđd., tr. 108).
++ Pháp đặt quan chức ở Tây – Bắc (Sơn Tây – Bắc Ninh) là người thổ trước (người địa phương). Đoàn Văn Hội tâu lên. Cơ mật viện: Quyền nghi, nhưng phải là người có nho học, không can án kiện; Pháp thiên lệch, thì không được khinh suất nghe lời, mà phải tranh biện.
(sđd., tr. 108 – 109).
---- (*) Trái với luật (đúng ra phải do triều đình bổ nhiệm) và trái lệ, đặc biệt là lệ hồi tị (không bổ nhiệm người địa phương làm quan chức tại bản quán). ----
++ Đinh Tử Lượng xét hạch, kén chọn võ sinh làm biền binh.
(sđd., tr. 110).
+++ Tháng năm âl..
++ Từ nay, không kiểm tra định kì mà kiểm tra đột xuất binh trượng ở các quân doanh và mật kiểm lính mộ ở kinh.
(sđd., tr. 111 – 112).
++ Ba tháng trước, Hoàng Thủ Trung thuộc đoàn quân của Lưu Vĩnh Phúc đem 2.000 quân rút về Hưng Hóa, làm dữ, bắt tuần phủ Hoàng Tướng Hiệp, cướp kho tàng, sổ sách, bắn chết thông phán. Nay Pháp đem quan tỉnh đã trốn được về lại Hưng Hóa. Pháp và quân Hoàng Thủ Trung đánh nhau dai dẳng đến 6 tháng trời. Pháp cố giữ để chờ quân viện. Hoàng Tướng Hiệp bị Hoàng Thủ Trung ép sang Tàu, rồi chết (về sau, ngụy triều Đồng Khánh truy thăng).
(sđd., tr. 112).
++ Toàn quyền đại thần của giặc Pháp là Ba Đức Na (Pa Tờ Nô, Patenôtre) và giám đốc Lê Na (Rheinart) định ước mới. Nguyên vào tháng 12 âl., năm ngoái, Quý mùi (1883), triều đình Đại Nam nước ta đã gửi quốc thư sang Pháp, yêu cầu xem lại “hòa” ước Quý mùi (1883). Ngày 04-04 âl., năm nay, Giáp thân (1884), Ba Đức Na (Patenôtre) từ Pháp khởi hành sang, và đã báo cho ta biết.
Phạm Thận Duật: khâm sai toàn quyền đại thần (chánh sứ); Tôn Thất Phan (phó sứ).
Chu Đình Kế, Tôn Thất Lương Thành: hộ tiếp.
Năm khoản nghi thức đón tiếp sứ bộ Pháp.
(sđd., tr. 113 – 114).
++ “Hòa” ước Ba Đức Na (Patenôtre) – Phạm Thận Duật gồm 19 khoản, kí ngày 13 tháng 5 âl., Kiến Phúc năm thứ nhất, Giáp thân (06-06-1884). Phía Đại Nam, bên trên hai chữ kí của chánh phó khâm sai toàn quyền đại thần Phạm Thận Duật và Tôn Thất Phan, còn có chữ kí của phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường với tư cách dự thương. Đó là một sự ép buộc ngoài thông lệ mà Nguyễn Văn Tường cùng triều đình Đại Nam nước ta tạm nhân nhượng để Pháp yên tâm. Đây cũng là một cưỡng ước đau đớn (nhưng so với “hòa” ước Quý mùi [1883] vẫn là một thắng lợi).
~1~ Điều khoản 1: Pháp bảo trợ Đại Nam, nắm luôn quyền ngoại giao của Đại Nam. Pháp bảo trợ cả người Đại Nam ở nước ngoài.
~2~ Điều khoản 2: Pháp đóng đồn từ cửa Thuận (Thừa Thiên) đến kinh thành Huế trong thời hạn lâu dài. Đồn lũy Đại Nam dọc tuyến ấy phải triệt bỏ.
~3~ Điều khoản 3: Giáp Biên Hòa đến giáp Ninh Bình, quan chức Đại Nam vẫn được triều đình Đại Nam xếp đặt cai trị như cũ, trừ các nha thương chính (thuế quan), tạo tác, và các việc cần dùng kĩ sư đều do Pháp nắm.
~4~ Điều khoản 4: Trung Kỳ, ngoài Thị Nại, nay mở thêm cửa biển Đà Nẵng (Quảng Nam), Xuân Đài (Phú Yên) và sẽ mở thêm các cửa biển khác. Các nơi đó, có quan Pháp. Các quan Pháp này thuộc quyền khâm sứ Pháp ở kinh.
~5~ Điều khoản 5: Khâm sứ Pháp không can thiệp đến công việc các tỉnh Trung Kỳ; khâm sứ Pháp là thượng thư ngoại giao của Đại Nam. Khâm sứ có quyền vào gặp trực tiếp vua Đại Nam. Khâm sứ ở trong kinh thành, có lính hầu.
~6~ Điều khoản 6: Pháp đặt công sứ, phó công sứ ở Bắc Kỳ, tại các tỉnh; các công sứ này theo lệnh của khâm sứ Pháp ở kinh.
~7~ Điều khoản 7: Công sứ (người Pháp) không dự việc tỉnh, nhưng có quyền thay đổi quan tỉnh người Đại Nam.
~8~ […]
~9~ Điều khoản 9:
Đặt một hệ thống điện báo từ Sài Gòn đến Hà Nội…
~10~ Điều khoản 10: Pháp có quyền tòa án để xử người Pháp và cả người Đại Nam nếu có tranh chấp.
Không có người Đại Nam nào dám đụng đến người Pháp, vì vậy!
~11~ Điều khoản 11: Thuế Trung Kỳ: Đại Nam thu. Thuế Bắc Kỳ: Pháp và Đại Nam cùng thu (chi cho công sở…)…
~12~ Điều khoản 12: Sở thương chính (thuế quan) trên cả nước đều thuộc quyền Pháp. Đại Nam không được bàn đến các biện pháp quân sự do Pháp tiến hành để thu thuế hải quan.
~13~ Điều khoản 13: Người Pháp được quyền mua bán, dựng nhà, mua đất… Các điều mở rộng cho Thiên Chúa giáo cũng như ở “hòa” ước Giáp tuất (1874).
~14~ […]
~15~ Điều khoản 15:
Pháp có quyền đóng đồn bất kì nơi nào trên nước Đại Nam để bảo hộ quân sự (chống giặc trong nước, giặc ngoại xâm).
~16~ […]
~17~ Điều khoản 17: Món nợ đối với Y Pha Nho (Tây Ban Nha), sẽ trả dần. Đại Nam không được vay nước nào.
~18~ Điều khoản 18: Nhượng địa, tô giới; định lệ thuế khai mỏ, chế độ tiền tệ…
~19~ […]
Sau khi thỏa thuận xong các điều khoản, Ba Đức Na (Patenôtre) và Ba Rô (Parreau) đòi lấy ấn của nhà Thanh Trung Hoa phong vương cho Gia Long. Triều đình và Nguyễn Văn Tường không chịu, mặc dù Pháp nói 2, 3 lần. Nguyễn Văn Tường nói với các quan: “Bảo không thôi, thì phá đi, để đúc lại cái khác mà thôi” .
Rốt cục, Pháp phải đồng ý phá cái ấn ấy; và bảo, nếu không, sẽ dùng biện pháp quân sự, và “hòa” ước này sẽ hủy bỏ, lấy lại “hòa” ước Hà A Mang (Harmand) – Trần Đình Túc 1883. Thế miếu (nơi thờ các vua từ Gia Long đến Thiệu Trị, ngụ ý là hội đồng hoàng thân) và điện Hòa Khiêm (nơi thờ và chôn Tự Đức; ngụ ý là Khiêm hoàng hậu) đề nghị Phạm Thận Duật, Tôn Thất Phan áp ấn để lấy khuôn mẫu, giao cho sứ Pháp để báo cho nước ấy biết. Ấn bị nung chảy, ngay sau đó.
Câu nói của Nguyễn Văn Tường và việc nung chảy chiếc ấn là một sự phản đối “hòa” ước Giáp thân (1884).
Kế đó, các quan được tặng phẩm vật, theo thông lệ ngoại giao, gồm các thứ hàng tiêu dùng từ rượu chè cho đến các đồ trang sức; riêng Nguyễn Văn Tường, là một thùng đạn máy!
Điều này nói lên tính cách của Nguyễn Văn Tường (không rượu chè, dùng đồ xa xỉ).
Nước ta cũng tặng lại một số phẩm vật ngoại giao.
(sđd., tr. 114 – 124).
Pháp muốn Đại Nam đoạn tuyệt hẳn với Trung Hoa, và hoàn toàn lệ thuộc vào Pháp. Nhưng thực ra, đối với Trung Hoa, Đại Nam hoàn toàn độc lập, tự chủ; việc phong vương và triều cống 3 năm một lần chỉ là hình thức (dẫu sao cũng là hình thức bất bình đẳng!). Với Pháp, ta bị bóc lột và áp bức nặng nề, thậm tệ.
Cũng cần lưu ý, với quan điểm lịch sử – cụ thể, việc “đúc ấn phong vương” còn là sự công nhận (và công chứng) về tính chính thống của một triều đại. Chiếc ấn này nếu bị bọn Pháp đưa về Pháp, rất dễ tạo điều kiện cho những tên tay sái như Pi E (Pierre) Tạ Văn Phụng, thừa cơ đánh đổ nhà Nguyễn, lập nên nhà Tạ chẳng hạn.

++ Lúc này, Tôn Thất Phan: quản lí Thương bạc sự vụ đại thần.
(sđd., tr. 124).
++ Kiểm duyệt bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” để khắc in (*).
(sđd., tr. 124).
---- (*)Trước đây, thời Tự Đức, mới kiểm duyệt xong phần sử từ đời nhà Đinh đến đời Hậu Lê. Nay mới hoàn tất việc ấy (tổng tài: Nguyễn Văn Tường; phó tổng tài: Phạm thận Duật). (Xem lại mục tháng sáu âl., Nhâm ngọ (1882); ĐNTL.CB., tập 35, sđd., tr. 134).
++ Na Viên (?) đóng ở Thị Nại (Bình Định).
(sđd., tr. 125).
++ Pháp trả lại kho đúc tiền tại Hà Nội.
(sđd., tr. 125).
+++ Tháng năm nhuận âl..
++ Thi điện (thi đình). Thượng thư Bộ Hội (*) Phạm Thận Duật: đọc quyển; Nguyễn Thuật, Vũ Nhự: duyệt quyển.
(sđd., tr. 126 – 127).
---- (*) Vì kiêng húy Kiến Phúc, đổi chữ “Hộ” [gần đồng âm với “Hỗ”] thành “Hội”; và có lẽ vì chữ “Hội” đầy đủ nghĩa hơn (chữ “Hộ” nguyên nghĩa chỉ là cái cửa, cái nhà – kinh tế tự cung tự cấp thời cổ đại). ----
++ Thưởng ngoại giao cho thống binh Pháp Mi Lô (Millot)…
(sđd., tr. 127).
++ Khâm sứ Lê Na (Rheinart) báo tin: Pháp và Hoa đã giảng hòa ở Thiên Tân (Trung Hoa) nhưng hòa ước chưa trao đổi, chưa niêm yết phổ biến (chưa tổ chức lễ hỗ giao, và qua lễ này, công bố văn bản).
(sđd., tr. 127).
Thật ra, tạm ước Phuốc Ni Ê (Fournier) – Lý Hồng Chương đã được kí kết từ ngày 18-04 âl., Giáp thân (1884). Với tạm ước này, Pháp buộc triều đình Đại Nam tại Huế phải chấp nhận “hòa” ước Patenôtre – Phạm Thận Duật (13-05 âl., Giáp thân [1884]).
++ Vua nhà Thanh nghị xử quan quân Thanh thất bại ở Đại Nam trong cuộc chiến tranh Pháp – Hoa (1883 – 1884).
(sđd., tr. 127 – 128).
++ Canh tư (1 – 3 giờ khuya về sáng) ngày 02 tháng 5 nhuận âl., Giáp thân (1884), bảy đến tám trăm (700 – 800) quân Pháp qua sông Hóa (cách cầu Quan Âm [*] 8, 9 dặm [**]). Súng nổ đến giờ thân (15 – 17 giờ chiều). Quân Thanh thắng trận. Pháp (gồm cả lính ma tà) chết đuối rất nhiều trên sông. Pháp lui về giữ Bắc Lệ. Tri huyện Hữu Lũng Hoàng Đình Kinh (nhận ấn nhà Thanh) đánh lấy lại Bắc Lệ, vào ngày 7 âl.. Ngày 11 âl., lại chặn quân Pháp ở núi Thiên Cần, đánh và thắng. Pháp lại lui về nhà trạm Bắc Cần.
(sđd., tr. 128 – 129).
---- [*] Đây còn gọi là “Sự kiện cầu Quan Âm”.
[**] Dặm ta: 1.000 thước ta = 425 metre ; dặm Tàu: 576 m ; dặm Anh: 1069 m (đường bộ), 1852 m (đường biển) (Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 1, TTBSTĐ. xb., 1995, tr. 652). ----

++Tình thế Bắc Kỳ ở vùng thượng du ngày càng lao lướt: giặc cướp (bọn phỉ Tàu…) nổi dậy, quan tỉnh vắng khuyết. Nguyễn Hữu Độ tâu lên. Dụ của vua: Nguyễn Hữu Độ thông tư cho các quan về; phối hợp với quân Pháp tiễu phỉ cho yên dân (cùng Pháp thực hiện điều 2 “hòa” ước 1874, tức là điều 15 “hòa” ước 1884 [“hòa” ước 1884 chưa có hiệu lực]).
(sđd., tr. 129 – 130).
++ Nguyễn Hữu Độ cùng Ba Rô (Parreau) chọn bang biện các tỉnh; Độ bị triều đình trách vượt quyền. Lẽ ra, Nguyễn Hữu Độ phải bàn với các quan tỉnh, quan tỉnh làm giấy quyền phái mới hợp lệ.
(sđd., tr. 130).
++ Quảng Trị: bão to, mưa đá.
(sđd., tr. 130).
++ Công sứ Pháp ở Hải Dương bàn việc Pháp cấp lương và huấn luyện 600 lính tỉnh người Việt. Cơ mật viện không đồng ý, tâu: Pháp phối hợp với quan ta để huấn luyện, còn ta cấp lương để ta điều động.
(sđd., tr. 130 – 131).
++ Rèn tập và dồn lính thủy sư kinh kì làm 2 doanh tả, hữu.
(sđd., tr. 131).
++ Pháp xin bổ nhiệm cho Nguyễn Trọng Hợp làm quyền thự lí tổng đốc Sơn – Hưng – Tuyên. Vua chuẩn.
(sđd., tr. 131).
++ Các khâm sai Bắc Kỳ về kinh: Đoàn Văn Hội, Hoàng Hữu Thường, Nguyễn Thuật.
(sđd., tr. 132).
++ Chuẩn cho san khắc “Minh Mệnh chính yếu thư” (năm Thành Thái thứ 7 mới xong).
(sđd., tr. 132).
++ Khơi vét sông Vĩnh Định (Quảng Trị).
(sđd., tr. 132).
++ Tù phạm ở Sơn phòng Quảng Trị trốn (5 tháng: 100 người).
(sđd., tr. 132 – 135).
++ Đổi định lệ thưởng phạt cho biền binh diễn tập bắn súng Tây.
(sđd., tr. 137 – 138).
+++ Tháng sáu âl..
++ Ân khoa thi hương ở Bình Định, Thừa Thiên.
(sđd., tr. 138).
++ Dụ cho các tỉnh Bắc Kỳ: Các công sứ Pháp ở các tỉnh thuộc quyền khâm sứ Pháp ở Huế; cho nên, các công sứ phải thông báo nội dung công việc về khâm sứ để Viện - Bạc cùng bàn; sau đó, mới thi hành. Bản dụ còn chỉ rõ: Các quan tỉnh (người Đại Nam) phải nắm vững điều khoản 6 “hòa” ước Giáp thân (1884), không được sai lệch.
(sđd., tr. 139).
++ Nghị xử các quan quân thứ các tỉnh Bắc Kỳ đã chiến bại. Đình thần tâu lên, quan phụ chính duyệt y. Vua chuẩn và dụ. Nội dung giáng phạt: Đánh Pháp, bị thua trận, do không biết trù tính, làm hỏng đại cục; Hoàng Tá Viêm: trảm giam hậu; Lương Tư Thứ (Lương Huy Ý), Ngô Tất Ninh, Nguyễn Đình Nhuận, Trương Quang Đản: cách chức. Nhưng gia ân: Hoàng Tá Viêm, giáng, hưu dưỡng; 4 viên khác: giáng, đổi bổ nơi khác. Lí do: “Có thể mưu đồ về sau cho đại cục” (nguyên văn). Và nghị xử một lọat quan lại nhưng hoàn toàn xử nhẹ và miễn nghị.
(sđd., tr. 139 – 142).
++ Thái giám Trần Đạt lấy cắp đồ dùng nội đình. Bộ Hình xử chém bêu đầu. Phụ chính duyệt lại: Trảm giam hậu. Hữu quân kiêm quản thái giám Hồ Văn Hiển: cách li. Phúc duyệt: cách chức, lưu dụng. Về sau, cho Trần Đạt ra khai khẩn ở Sơn phòng Quảng Trị. Cả hai đều được gia ân.
(sđd., tr. 142 – 143).
++ Truy thụ cho cố thự tuần phủ Hưng Yên Nguyễn Văn Thận (bị Pháp bắt, ông vẫn bất khuất, ung dung trước họng súng giặc, trong những giờ phút trước khi bi giặc bắn chết); cải táng, các địa phương ven đường hộ tống, đón rước nghiêm chỉnh di hài.
(sđd., tr. 143).
++ Chuẩn cho bớt quan lại, tăng lương bổng.
(sđd., tr. 143 – 150).
++ Vua Kiến Phúc ốm từ tháng 4 âl., Giáp thân (1884) năm nay. Sau đó, vua lại khỏe. Ngày mùng 7 tháng sáu âl. tháng này, vua ngự ở điện Văn Minh; đình thần chầu mừng; vua ban thưởng. Liền đó, vua trở bệnh. Ngày mùng 10 (cách ngày ngự chầu chỉ 3 hôm), bệnh vua trở nên nguy kịch, và mất vào giờ ngọ (11 – 13 giờ trưa) tại chính tẩm điện Càn Thành. Hoàng thái phi cho vời Miên Định, Hồng Hưu, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Phạm Thận Duật đến để truyền di chúc: Lập Ưng Lịch, em ruột của vua Kiến Phúc, làm vua nối ngôi. Tất cả tôn nhân, đình thần tâu lên Từ Dũ, Khiêm hoàng hậu Vũ thị; rồi cùng rước Ưng Lịch vào cư tang, làm tự quân.
Kiến Phúc được thờ ở Thế miếu (vua chính thống, ngang với các tiên đế: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị…), vào đời Thành Thái (năm thứ 6 [1894]).
(sđd., tr. 150 – 151).
++ Ngày 12 tháng 6 âl., Giáp thân (1884), Ưng Lịch lên ngôi ở điện Thái Hòa, lấy niên hiệu Hàm Nghi. Ưng Lịch được sinh ra đời vào ngày 17 tháng 02 âl., Tự Đức năm thứ 24, Tân mùi (1871). Mẹ ruột của Ưng Lịch (Hàm Nghi) là Phan Thị Nhàn.
(sđd., tr. 153 – 154).


Hết phần 1 của CHƯƠNG TÁM
Xin xem tiếp PHẦN 2 chương tám
ở tệp 9, cũng trên web-blog này:
http://tranxuanantsbnnvt2.blogspot.com/



Xếp chữ xong phần 1 chương tám, vào lúc 09 giờ 55 phút,
ngày thứ sáu (thứ năm cũ) 16-02 HB6 ( 2006 )
[19 tháng giêng, Bính tuất HB6 ]
tại Tp. HCM., Việt Nam.

Trần Xuân An

0 Comments:

Post a Comment

<< Home